Quy trình bón phân cho cây Lạc

1. Đặc điểm chung về cây lạc

– Là cây công nghiệp ngắn ngày, cây lấy dầu có giá trị kinh tế cao, cây nguyên liệu quan trọng của công nghiệp chế biến.

– Cây lạc còn là cây trồng có vai trò cải tạo đất nhờ các vi khuẩn nốt sần sống cộng sinh trên rễ. Đồng thời cũng là cây có khả năng tạo tính đa dạng hóa cho sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức trồng thuần, trồng xen canh, trồng gối vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và che phủ bảo vệ đất chống xói mòn rửa trôi

– Lạc là cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới nên có thể trồng trong phạm vi điều kiện sinh thái khá rộng. Cây lạc phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ từ 24-330C. Lạc là cây trồng chịu hạn song chỉ có khả năng chịu hạn ở một giai đoạn nhất định, nước là yếu tố ngoại cảnh có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, đặc biệt ở thời kỳ sinh trưởng sinh thực

– Cây lạc không đòi hỏi đất đai nghiêm ngặt, thường được trồng trên các vùng đất: cát ven biển, đất bạc màu, đất xám, đất đỏ bazan, đất dốc miền núi và đất phù sa. Lạc cho năng suất cao nhất trên đất thịt nhẹ, cát pha, có kết cấu tơi xốp, có khả năng giữ nước và thoát nước tốt, pH 5,5-6,5

– Cây lạc có thời gian sinh trưởng khoảng 100-130 ngày. Củ lạc là quả của cây lạc được bắt đầu từ việc ra hoa, thụ phấn thụ tinh trên mặt đất thành tia quả rồi nhanh chóng đâm xuống đất ở độ sâu 3-7 cm và phình ra theo chiều ngang mà thành củ. Trong kỹ thuật trồng lạc phải tạo điều kiện cho lạc ra hoa tập trung (thời kỳ ra hoa rộ chỉ khoảng 10-15 ngày) và tạo điều kiện thuận lợi để tia quả phát triển.

2. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây lạc

a. Đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây lạc

– Thời kỳ mọc: bắt đầu từ khi hạt hút nước rồi nảy mầm thành cây con. Thời kỳ này cần chú ý điều chỉnh ẩm độ đất và nhiệt độ đất cho thích hợp để đạt tỷ lệ nảy mầm cao

– Thời kỳ cây con: từ khi cây mọc đến khi cây nở hoa đầu tiên (thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng) kéo dài 25-40 ngày. Cây lạc bắt đầu phân hóa mầm hoa rất sớm, ngay từ khi có 2-3 lá thật. Thời kỳ này đòi hỏi đảm bảo đủ dinh dưỡng và độ ẩm để cây phát triển bộ rễ và phát triển cơ quan dinh dưỡng trên mặt đất

– Thời kỳ ra hoa, làm hạt: diễn ra khoảng 30-40 ngày, cây lạc đã bước vào thời kỳ sinh trưởng sinh thực nhưng vẫn cần phát triển các cơ quan sinh trưởng rất mạnh nên lạc có nhu cầu cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây sinh trưởng dinh dưỡng sớm, mạnh và ra hoa tập trung

– Thời kỳ chín: từ khi hạt định hình đến khi hạt chín hoàn toàn, kéo dài 30-40 ngày trước thu hoạch. Là thời kỳ tích lũy chất khô vào quả.

b. Đặc điểm hệ rễ của lạc

– Rễ lạc là rễ cọc gồm 1 rễ chính ăn sâu và các rễ bên phát triển, phân bố ở tầng đất mặt 0-30 cm.

– Bộ rễ lạc có cấu tạo đặc biệt: không có lông hút mà nhu mô vỏ của các rễ bên trực tiếp hút nước và dinh dưỡng (nên có khả năng hút dinh dưỡng từ môi trường nghèo)

– Đặc điểm quan trọng của bộ rễ cây lạc là có khả năng hình thành nốt sần với sự xâm nhập của vi khuẩn Rhzobium vigna, tự túc phần lớn nhu cầu đạm cho cây lạc. Nốt sần hình thành khoảng 25-30 ngày sau gieo, khi cây lạc có 4-5 lá thật, tập trung phần lớn ở vùng gốc rễ, đạt cực đại ở thời kỳ hình thành quả và hạt lạc
c. Nhu cầu dinh dưỡng của cây lạc

– Đạm là yếu tố dinh dưỡng có tác dụng rất lớn đối với sự sinh trưởng phát triển thân, lá, cành, số củ, số hạt, trọng lượng hạt nên có ảnh hưởng đến năng suất của cây lạc. Đặc biệt N còn cần thiết cho vi sinh vật cố định đạm phát triển, tạo nốt sần hữu hiệu và khả năng cố định đạm – tự đảm bảo 50-70% tổng nhu cầu. Thời kỳ cây lạc hút nhiều đạm nhất là thời kỳ ra hoa, làm hạt (40-45%)

– Lân đóng vai trò quan trọng trong việc cố định N và tổng hợp lipit ở hạt trong thời kỳ chín nên làm cho hàm lượng dầu trong hạt tăng lên rõ rệt. Lân còn có tác dụng kéo dài thời kỳ ra hoa, tăng tỷ lệ hoa có ích. Lạc hút lân nhiều nhất ở giai đoạn từ ra hoa đến hình thành hạt (45%), sự hút lân giảm rõ rệt ở thời kỳ chín

– Kali có vai trò quan trọng nhất trong xúc tiến quang hợp và sự phát triển của cây và quả. Kali còn làm tăng cường mô cơ giới, tăng tính chống đổ của cây. Cây lạc hút kali tương đối sớm, có tới 60% nhu cầu kali của cây được hấp thụ trong thời kỳ ra hoa, làm hạt. Thời kỳ chín nhu cầu kali hầu như không đáng kể.

– Ca là yếu tố dinh dưỡng cây lạc cần nhiều hơn cả lân (gấp 2-3 lần) và rất được coi trọng trong trồng lạc, năng suất lạc cao có liên quan chặt với hàm lượng Ca cao trong lá. Sau khi tia củ đâm vào đất, nó trực tiếp hút Ca để phát triển củ nên cần có Ca tại vùng đất hình thành củ. Thiếu Ca làm cho quả lép nhiều, ngoài nguyên nhân do đất thiếu Ca còn có thể do ảnh hưởng xấu của việc bón phân khoáng không hợp lý hay thời tiết bất thuận cho việc hút Ca của cây lạc

– Thiếu Mg ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ dầu trong hạt lạc, thiếu S làm giảm tỷ lệ và chất lượng protein của hạt lạc, thiếu B tỷ lệ hoa có ích giảm rõ rệt, số lượng hoa cũng giảm dẫn đến giảm số củ/cây

3. Quy trình bón phân cho cây lạc

a. Loại và dạng phân bón sử dụng cho cây lạc

– Trong trồng lạc thường sử dụng các nguyên liệu vôi như thạch cao, vôi bột, đolomit nhằm tạo pH thuận lợi, cung cấp các chất dinh dưỡng trung lượng cho cây lạc và hoạt động của các vi khuẩn cố định đạm sinh trưởng và phát triển.

– Phân chuồng phải ủ hoai mục nhằm cung cấp dinh dưỡng và tạo điều kiện vật lý cần thiết cho cây sinh trưởng phát triển và cho năng suất cao

– Các loại phân vô cơ gồm: phân đạm dạng amon sunphat hay ure, phân lân dạng supe lân hay lân nung chảy, phân kali dạng sunphat hoặc clorua

– Cần quan tâm sử dụng chế phẩm vi khuẩn nốt sần Nitrazin chứa Rhizobium vigna khi trồng lạc trên các đất mới khai hoang, đất trồng lạc lần đầu, đất chua, đất bạc màu (trộn với hạt giống trước khi gieo)

– Sử dụng phân bón lá chứa các nguyên tố vi lượng như Mo, B, Mn… cho lạc đạt hiệu quả rõ.

b. Lượng phân bón cho lạc

– Thường bón nguyên liệu vôi với lượng 500-800 kg/ha, phân chuồng với lượng 8-12 tấn /ha

– Trong các loại phân khoáng bón cho lạc cần bón nhiều lân và kali hơn đạm do cây có khả năng tự cung cấp phần lớn nhu cầu đạm (sau khi tạo được nốt sần trên rễ)

– Lượng phân bón nguyên chất bón cho 1 ha lạc dao động: 25-40 kg N, 50-80 kg P2O5, 60-90 kg K2O.

– Lượng phân bón lá sử dụng chụng cho 1ha: 1000ml.

(Để xác định nhu cầu bón phân cho lạc có thể dựa vào việc chuẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng qua lá: chọn các lá phát triển hoàn chỉnh vào thời kỳ cây ra hoa).

c. Phương pháp bón phân cho lạc

– Bón lót cho cây lạc

+ Thường sử dụng 1/2 lượng vôi cần bón để bón lót trong quá trình cày, bừa, làm đất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lạc sinh trưởng và hút dinh dưỡng (việc bón vôi này cần phân biệt với việc bón vôi cải tạo đất khi đất có pH quá thấp không phù hợp cho trồng lạc)

+ Trộn hạt giống với chế phẩm Nitrazin trước khi gieo

+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ và lân, 1/2 kali, 1/2 đạm

+ Nên trộn phân hữu cơ, lân, kali ủ mục trước trồng 1 tháng. Để tăng số lượng và chất lượng phân, thường dùng bùn ao đập nhỏ ủ chung với phân chuồng.

+ Khi bón cần rạch rãnh theo hàng, bón các loại phân đã ủ vào rãnh trước khi gieo hạt ở cả vụ xuân và vụ thu

(Trồng lạc trong điều kiện sử dụng kỹ thuật che phủ nylon cần bón lót toàn bộ lượng phân định bón trước khi gieo hạt)

– Bón thúc cho cây lạc

+ Bón thúc lần 1:

* Khi lạc có 2-3 lá kép, khoảng 15 ngày sau gieo nhằm thúc đẩy cây phát triển thân lá, hình thành nốt sần

* Thường bón 1/4 đạm, 1/4 kali

* Khi bón cần rải phân cách gốc cây 5-7 cm, kết hợp với xới và vun để vùi phân vào trong đất. Có thể hòa phân vào nước tưới cho cây, nhất là trong điều kiện khô hạn.

+ Bón thúc lần 2

* Khi lạc bắt đầu ra hoa, khoảng 25 ngày sau gieo sử dụng 5-10ml sản phẩm a2 pha với 10-16 lít nước phun đều một lượt nhằm bổ sung lượng dinh dưỡng thúc đẩy việc ra hoa kết quả của cây lạc.

* Bón hết đạm và kai còn lại. Bón 1/2 lượng vôi vào vùng quả phát triển và dùng phân bón lá phun lên lá nhằm cung cấp và bổ sung các nguyên tố vi lượng, tăng cường hiệu lực chung của phân bón.

* Khi bón phân cần rải phân cách gốc cây 7-10 cm, kết hợp với xới và vun để vùi phân vào trong đất. Có thể hòa phân vào nước tưới cho cây, nhất là trong điều kiện khô hạn. Việc bón vôi không tiến hành cùng với việc bón phân mà bón muộn hơn (vào thời kỳ cây lạc ra hoa rộ)

Quy trình bón phân cho cây Lạc
4.6 (91.67%) 12 vote[s]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0979030303
Chat Facebook
Gọi điện ngay