Quy trình bón phân cho cây Cà chua

1. Đặc điểm chung về cây cà chua

– Cà chua là loại rau ăn quả quan trọng của nhiều vùng chuyên canh rau và hệ thống luân canh lúa rau. Đây là loại rau có hiệu quả kinh tế cao, phổ biến nhất ở vụ đông và vụ xuân hè ở nước ta.

– Cây cà chua ưa khí hậu ấm, chịu được nhiệt độ cao, rất mẫn cảm với rét, ưa ánh sáng mạnh, cây phát triển thuận lợi trong khoảng nhiệt độ 20-300C

– Cây cà chua yêu cầu luân canh nghiêm ngặt vì trồng cà chua sau cây họ cà làm cây dễ bị bệnh. Đất phù hợp trồng cà chua có pH 6-6,5, cát pha – thịt nhẹ, tơi xốp, tưới tiêu dễ dàng, ít nấm bệnh.

– Cây cà chua có thời gian sinh trưởng khoảng 120-135 ngày, là cây vừa sinh trưởng dinh dưỡng vừa sinh trưởng sinh thực, có khả năng ra hoa quả lớn và thời gian thu hoạch quả dài (sau trồng 60 ngày cây đã cho đợt thu đầu)

2. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của cây cà chua

a. Đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây cà chua

– Thời kỳ trước ra hoa: kéo dài 35-45 ngày sau trồng (cây bén rễ hồi, bắt đầu phát triển thân lá), thời kỳ này nhu cầu dinh dưỡng của cây cà chua chưa cao

– Thời kỳ phát triển quả: kéo dài 15-20 ngày tiếp theo (cây ra hoa mạnh, thụ phấn, hình thành quả, quả chín kế tiếp nhau thành nhiều đợt), thời kỳ này cây có nhu cầu dinh dưỡng rất cao đặc biệt là đạm và kali.

– Thời kỳ quả chín: 60-100 ngày sau trồng (các lứa quả kế tiếp nhau phát triển và chín cho đến khi cây tàn), thời kỳ này cây cà chua tiếp tục hoạt động tích lũy chất khô mạnh nên cây vẫn có nhu cầu dinh dưỡng cao.

b. Đặc điểm hệ rễ của cây cà chua

– Cà chua thuộc loại rễ chùm, phát triển mạnh, ăn sâu và rộng, có khả năng tái sinh mạnh, rễ bên và lông hút phân bố dầy đặc ở tầng đất 0-30 cm.

c. Nhu cầu dinh dưỡng của cây cà chua

– Cây cà chua hút dinh dưỡng kali nhiều nhất rồi đến đạm, ít nhất là lân. Mặc dù phần lớn chất dinh dưỡng được cây hút để nuôi quả trong khoảng từ 10 ngày sau khi hoa nở đến khi quả bắt đầu chín nhưng cây hút dinh dưỡng kéo dài suốt quá trình sinh trưởng.

– Đạm thúc đẩy sự sinh trưởng phát triển thân lá, phân hóa hoa, làm tăng số lượng và kích cỡ hoa, tăng số lượng và trọng lượng quả nên có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất chất lượng cà chua. Cây cà chua có nhu cầu đạm cao nhất trong thời kỳ phát triển quả.

– Lân có tác dụng kích thích hệ rễ cà chua phát triển, thúc đẩy cây phân hóa hoa, nở hoa sớm, làm tăng sức sống của hạt phấn nên đậu quả nhiều, tăng chất lượng quả và hạt. Lân rất cần thiết cho giai đoạn cây con và thời kỳ đang cho quả. Giai đoạn đầu cây rất mẫn cảm với việc thiếu lân mặc dù nhu cầu không nhiều.

– Kali làm tăng quá trình quang hợp và tổng hợp các chất gluxit, tăng cường quá trình vận chuyển các chất hữu cơ và đường vào quả cà chua, có tác dụng tốt đối với hình thái quả: quả nhẵn, thịt quả chắc. Cây hút kali nhiều ở thời kỳ ra hoa hình thành quả, đặc biệt cây hút kali mạnh nhất vào đầu thời kỳ có quả.

– Ca là yếu tố trung lượng mà cà chua có nhu cầu rất cao. Thiếu Ca có thể làm thối đầu hoa, héo các ngọn cà chua.

– Trên đất chua, rửa trôi mạnh nên bón phân có chứa Mg, Mo cho cà chua.

3. Bón phân cho cây cà chua

a. Các loại và dạng phân bón

– Cần bón vôi cho đất trồng cà chua có pH nhỏ hơn 5,5. Nên dùng nguyên liệu vôi dạng đôlômit để vừa trung hòa độ chua cho đất vừa cung cấp cả Ca, Mg cho cây

– Phân hữu cơ thường sử dụng là phân chuồng ủ hoai mục, phân bón lá A2, phân hữu cơ vi sinh…

– Phân vô cơ thường dùng là phân đạm dạng sunphat amon, ure; phân lân dạng supe lân, có thể dùng các dạng phân lân khác để bón lót; phân kali dạng kali sunphat, có thể dùng kali clorua để bón lót. Nên sử dụng loại phân bón NPK chuyên dùng cho cà chua loại 12-5-10 của công ty phân bón Hà Nội để nâng cao năng suất, chất lượng cà chua.

b. Lượng phân bón cho cà chua

– Lượng vôi bột thường sử dụng 500-1000 kg/ha

– Lượng phân hữu cơ dao động 15-30 tấn /ha

– Lượng phân vô cơ đạm, lân, kali lần lượt dao động trong khoảng: 120-400 kg N/ha, 60-200 kg P2O5 /ha, 100-300 kg K2O /ha. Ở đồng bằng sông Hồng, để đạt năng suất 25-30 tấn /ha thường bón cho mỗi hecta: 15-25 tấn phân chuồng mục, 120-150 kg N, 60-90 kg P2Ò5, 120-150 kg K2O.

c. Quy trình bón phân cho cây cà chua

– Bón phân lót cho cà chua

            + Khi cần bón vôi cải tạo độ chua của đất cần bón trong quá trình làm đất, nên bón vôi sớm trước khi gieo trồng cà chau

            + Thường bón lót toàn bộ phân hữu cơ và phân lân

            + Khi bón phân cần trộn đều các loại phân bón với nhau, bón vào hốc đã đào từ trước ở độ sâu 15-20 cm, rồi lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi trồng cây giống nhằm tránh để rễ cây mới trồng tiếp xúc trực tiếp với phân

– Bón phân thúc cho cà chua           

            +Thường sử dụng các loại phân đạm và kali để bón thúc cho cây. Ngoài ra có thể sử dụng các dạng phân hữu cơ lỏng, phân chuồng mục có chứa dinh dưỡng dạng dễ tiêu để bón cho cây. Các đợt bón thúc phân vào thời kỳ cây có quả cần tránh bón phân trước thu hoạch 7-10 ngày.

            + Bón thúc lần 1: khoảng 15-20 ngày sau trồng khi cà chua bắt đầu phát triển thân lá. Bón phân đạm với khoảng 1/10 tổng lượng N. Khi sử dụng phân khô để bón cần bón phân cách cây khoảng 7-10 cm, kết hợp vun xới để vùi phân xuống độ sâu 5-7 cm.

            + Bón thúc lần 2: khoảng 35-45 ngày sau trồng khi cây bắt đầu có nụ. Thường sử dụng 1/5 tổng lượng đạm, 1/5 lượng kali. Bón phân vào sát gốc cây rồi kết hợp xới xáo, làm cỏ, lấp phân xuống.

            + Bón thúc lần 3: cách bón thúc lần 2 từ 10-12 ngày, khi cây ra hoa rộ. Thường bón 1/3 lượng đạm, 1/3 lượng kali. Nên hòa phân vào nước để tưới cho cây.

            + Bón thúc lần 4: Sau khi thu hoạch quả đợt 1. Thường bón 1/5 lượng đạm, 1/5 lượng kali. Nên hòa phân vào nước tưới cho cây.

4. Bón phân cân đối cho cà chua

– Trong bón phân cho cà chua, cân đối đạm và kali là yếu tố quan trọng nhất trong dinh dưỡng của cà chua. Bón phân lân và kali cân đối với đạm ngoài việc làm năng suất tăng thêm còn làm tăng kích thước quả, tăng tỷ lệ đường trong quả, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.

– Phối hợp một tỷ lệ và khối lượng thích hợp giữa phân hữu cơ vi sinh A2 và phân vô cơ là điều kiện quan trọng đảm bảo năng suất và chất lượng cà chua

– Chế độ bón phân hợp lý cho cà chua thay đổi tùy thuộc vào mức năng suất và loại cà chua trồng. Khi tăng năng suất thì phải chú ý tới việc cung cấp đủ và cân đối dinh dưỡng không chỉ đa lượng mà cả trung lượng và vi lượng.

– Cần quan tâm đảm bảo Mg và B cho cây, đặc biệt khi trồng cà chua trên đất nhẹ, thâm canh cao, bón nhiều phân kali.

Quy trình bón phân cho cây Cà chua
5 (100%) 4 vote[s]

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0979030303
Chat Facebook
Gọi điện ngay