Vẫn với công sức ấy, vẫn với thời gian làm việc ấy, thế nhưng lương được trả cao hơn ở Việt Nam rất nhiều.
Trò chuyện với anh Tùng về công việc cụ thể, anh nói: “Hiện nay, ở Isarel tồn tại hai loại hình, đó là ki bút và mô shap. Ki bút là nhiều chủ giống như nhiều người góp cổ phần chung vốn làm ăn để thành lập công ty, còn mô shap thì chỉ có một chủ. Nhưng chủ yếu là mô hình một chủ tồn tại nhiều”.
Thế nhưng, từng trải qua làm cho cả hai loại hình, anh Tùng cho rằng, nếu làm cho mô hình ki bút thì chế độ tiền lương cao hơn, lương tăng giờ cũng được tính cao hơn. Anh cho hay: “Hiện tại chỗ tôi được trả 8h = 170 ken, nhưng bạn tôi cũng làm 8h chỉ được trả 120 ken, tùy vào mô hình và trang trại”.
Bình thường, nếu như làm thêm thì tiếng làm thêm đầu là 25 ken rồi đến 27 ken, còn đến tiếng thứ 11 trong ngày sẽ tăng 33ken (1 ken = 6.000đ).
Chính vì vậy, mà anh Tùng cho biết thêm: “Một người thu nhập thấp ở bên đây cũng phải có 1000 USD, còn cứ làm đều bình thường, tăng ca thêm giờ thì một tháng cũng gần 2000 USD. Như vậy, so với bên VN thì đúng là một số tiền quá lớn”.
Công nghệ máy móc là chính
Mức thu nhập đã cao hơn ở quê rất nhiều, nhưng điều quan trọng hơn là theo đánh giả của anh Tùng thì công việc bên này nhàn hơn ở quê trước đây rất nhiều.
Anh cho hay: “Công nghệ tưới tiêu toàn bằng máy tính nhỏ dùng pin và năng lượng mặt trời, còn chỉ có mấy người làm chân bê dưa hấu mỗi mùa thu hoạch là vất vả vì quả to mà trời lại nắng”.
Bên cạnh đó, anh cho biết thêm: “Trồng lúa họ không làm như VN, họ dùng máy cày đi tưới nước, máy móc xe để nhàn và hiệu quả hơn mà không mất nhiều nhân công cho việc đó, để dành làm việc khác, tránh mất thời gian mà lại kém hiệu quả”.
Theo đánh giá của cá nhân anh Tùng thì họ dùng máy móc là chính cũng một phần bởi diện tích trang trại rất bạt ngàn. Điều đặc biệt, họ thành công và có năng suất cao là vì, họ quy hoạch trồng các loại cây theo vùng, có vùng thì chỉ trồng xoài và bơ, có vùng thì trồng đào, táo, lựu, lê. Có vùng lại chuyên làm ớt, cà chua. Thường họ sẽ kiểm tra đất và các yếu tố khí hậu tại vùng đó rất kỹ lưỡng và tỉ mỉ.
Tại đây, hầu hết rau quả ăn tươi đều được trồng trong nhà kính, nhà lưới. Hiện nay, họ sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm theo hình thức tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa kết hợp với bón phân, bởi một phần mềm điều khiển tự động sau khi đã nạp đủ thông tin về độ ẩm không khí, đất đai, tuổi và nhu cầu tăng trưởng của từng loại cây. Hệ thống này tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định thông qua các cảm biến điện tử.
Lượng dung dịch tưới được lập trình theo nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây qua từng thời kỳ sinh trưởng.
Công nghệ tưới này có thể ứng dụng ở nhiều điều kiện khác nhau như trong nhà kính, nhà lưới, cây trồng ngoài đồng ruộng, vườn ươm sản xuất cây giống, trang trại trồng cây ăn quả..
“Người dân Israel không tự ươm cây giống mà phải đặt hàng cho các công ty chuyên sản xuất cây giống để cung ứng theo nhu cầu của người trồng, nó sẽ do các ông chủ kiểm tra đất, rồi lựa chọn”, anh Tùng kể.
Học hỏi được rất nhiều từ công nghệ làm nông nghiệp tại đây, anh Tùng hứa hẹn sau này về quê sẽ áp dụng một số vào sản xuất nông nghiệp tại quê hương sau này. Vì nếu so với Israel thì vùng quê Phú Thọ của anh, đất đai, thời tiết còn thiên thời địa lợi hơn rất nhiều.