Hiện nay ở nước ta có rất nhiều giống bưởi khác nhau được trồng ở nhiều vùng miền. Mỗi giống đều có đặc tính sinh trưởng phát triển khác nhau, nhiều giống Bưởi có thương hiệu đại diện cho từng vùng. Một số giống Bưởi được trồng phổ biến ở miền Bắc là: Bưởi Diễn (Diễn-Hà Nội), Bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), Bưởi Phúc Trạch(Hà Tĩnh), Bưởi Cát Quế -Quế Dương(Hoài Đức – Hà Nội), Bưởi đỏ Tân Lạc(Hòa Bình), Bưởi Hoàng được trồng phổ biến ở Hưng Yên, Hà Nội…mỗi giống đều yêu cầu điều kiện sinh thái khác nhau, kỹ thuật chăm sóc khác nhau để chúng phát triển thuận lợi và cho chất lượng quả thơm, ngon đặc trưng cho từng giống.
Kỹ thuật chăm sóc Bưởi Diễn và một số kinh nghiệm xử lý bưởi ra hoa đậu quả:
Trong các giống bưởi trên thì bưởi Diễn là giống Bưởi được nhiều người biết đến và hiện nay được trồng rất phổ biến tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang…tuy nhiên bưởi Diễn chất lượng ngon nhất vẫn thuộc về nơi nó từng sinh ra là Phúc Diễn và Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội.
Bưởi diễn có trọng lượng trung bình từ 800-1000g/quả. Vỏ mỏng, màu vàng sẫm, chắc quả, tép màu vàng, thơm, giòn, khi bóc múi tép không nát, ăn nhiều không ngán do có vị ngọt mát dễ chịu. Đặc trưng của bưởi Diễn là khi mới thu hoạch (quả còn tươi, vỏ căng) nếu bổ ăn ngay sẽ có vị “he đắng nhẹ”, càng để lâu ăn càng ngọt và vị he đắng trên sẽ biến mất, cây càng già tuổi quả tuy nhỏ nhưng ăn càng ngon.
Hiện nay có nhiều tỉnh thành phía Bắc trồng phổ biến Bưởi Diễn. Bưởi Diễn có giống tép trắng và tép vàng tuy nhiên giống tép vàng có giá trị kinh tế cao hơn nên được nhiều bà con ưa chuộng. Đối với giống Diễn tép vàng lại được chia làm 2 loại: Bưởi diễn tép vàng chín sớm (thu hoạch trung tuần tháng 10 âm lịch) và Diễn tép vàng chín muộn (thu hoạch trung tuần tháng 11 đến trung tuần tháng 12 âm lịch). Hai giống trên về cơ bản không khác nhau về chất lượng chỉ khác đôi chút về cách chăm bón và thời gian chín, với giống chín sớm thường cho năng suất quả cao hơn so với giống chín muộn tuy nhiên giống chín muộn do bán vào dịp cận tết nguyên đán cho nên về giá trị kinh tế sẽ cao hơn.
Vấn đề đặt ra ở đây là trước khi lựa chọn trồng bưởi cần xem xét, kiểm tra “chất đất” xem phù hợp với giống bưởi nào. Với bưởi Diễn là nó mang đầy đủ đặc trưng của giống cây ăn quả có múi như: thích hợp với đất cao, thoát nước, ở thời kỳ ra hoa đậu quả cần đảm bảo điều kiện ẩm ráo. Tuy nhiên sự khác biệt lớn nhất của giống bưởi Diễn so với các giống khác là để chất lượng quả thơm ngon cần lựa chọn đất thịt nặng, khi chăm sóc cần chú ý bổ sung phân hữu cơ hoai mục, không ưa đất cát pha(đất thành phần cơ giới nhẹ). Nếu trồng bưởi Diễn trên đất có thành phần cơ giới nhẹ (cát pha) tuy cây sinh trưởng phát triển mạnh (ở thời kỳ KTCB) nhưng cho chất lượng quả kém ở thời kỳ kinh doanh như: quả tuy to nhưng cùi(vỏ) dày, tép nát, độ Brix thấp, tăng độ khô (kết hạt cơm), tỷ lệ nhiễm sâu bệnh cao…
Một vấn nữa ở giống Bưởi Diễn là thời điểm ra hoa-đậu quả, ở miền Bắc trùng với thời điểm đầu xuân(mưa phùn kéo dài) làm cho độ ẩm không khí luôn ở tình trạng bão hòa, nấm bệnh phát sinh-phát triển mạnh, làm “hỏng-thối” hạt phấn hoặc suy giảm chức năng hạt phấn từ đó làm giảm khả năng thụ phấn-thụ tinh è Không hình thành nên hợp tửè Noãn, qua đó làm giảm tỷ lệ đậu quả. Thời kỳ thụ phấn thụ tinh ở bưởi Diễn chỉ kéo dài khoảng 2 tuần nếu mưa phùn kéo dài trùng thời điểm ra hoa đợt 1 thì hầu hết không đậu quả. Có những năm mưa phùn kéo dài tới 15-20 ngày liên tiếp hầu hết các vườn Bưởi Diễn đều thất thu. Vậy là giá Bưởi Diễn lại tăng cao ở dịp tết làm cho người kinh doanh bưởi Diễn rất vất vả khi tìm nguồn hàng chất lượng đồng thời gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và người sản xuất.
Lưu ý: Nếu hoa đợt 1 hỏng thì nên thúc hoa đợt 2 nhằm cứu vãn tình hình, hoa 2 ra càng sớm càng tốt, hoa đợt 3-4 nếu có, cho dù có “sai” cũng không nên để (sẽ phân tích lý do ở một bài viết khác – muốn tăng tỷ lệ đậu quả cần ứng dụng công nghệ màng bán thấm lipopro, xử lý ở thời kỳ ra hoa đậu quả vào đúng thời điểm mưa phùn kéo dài sẽ có tác dụng ngăn chặn tình trạng xâm thực của nấm bệnh và nước mưa làm tăng sức đề kháng của hạt phấn giúp nâng cao hiệu quả thụ phấn – thụ tinh qua đó tăng tỷ lệ đậu quả). Chính vì vậy nếu không chủ động được khâu “kỹ thuật chăm sóc” tốt nhất bà con nên lựa chọn những giống bưởi “dễ tính” hơn bưởi Diễn chẳng hạn bưởi Phúc Trạch (tỷ lệ ra hoa đậu quả cao) hay bưởi Tân Lạc – Hòa Bình, bưởi Quế Dương sức sinh trưởng phát triển mạnh, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận từ thời tiết, lại ít sâu bệnh…
1 – Mục đích của bài viết
+ Thúc đẩy phân hóa mầm hoa đúng thời vụ.
+ Tăng tỷ lệ đậu quả.
+ Hạn chế ra hoa quả cách năm (một năm ăn quả một năm trả cành).
+ Nâng cao chất lượng quả (quả ngọt, màu sắc đẹp, chống khô quả, thời gian bảo quản quả kéo dài tới 6-8 tháng).
+ Cây phát triển bền vững.
2 – Chia sẻ một số kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc bưởi Diễn
2.1 Thời kỳ kiến thiết cơ bản(từ khi trồng cho đến bắt đầu lấy quả)
+ Kỹ thuật trồng: Đào hố trước khi trồng 1-2 tháng, kích thước hố 80x80x80cm, bón vôi, phân hữu cơ hoai mục(15-20kg/hố) trộn với lân (lượng vôi và lân tùy chất đất). Lưu ý một điều rất quan trọng là vôi được trộn ở với đất ở phía dưới 1/3 hố còn phân hữu cơ và lân có thể trộn đều nằm ở 2/3 hố phía trên, tuyệt đối không trộn chung vôi và lân cùng lúc, điều này sẽ làm lân chuyển thành chất khó tan do lân bị vôi kiềm hóa chuyển thành muối khó tan Ca3(PO4)2. Sau khi bón lót lấp đầy hố cao hơn so với bề mặt 15-25cm (trồng nổi cao hay thấp tùy độ cao của đất so với các vị trí xung quanh). Để từ 20-30 ngày sau mới trồng.
+ Kinh nghiệm trong lựa chọn giống: tất nhiên bước đầu tiên là phải đúng giống (nên mua tại vườn hoặc cơ sở cung cấp giống uy tín, theo khảo sát thực tế người mua giống thường mua phải 30% bưởi Đoan Hùng thay vì bưởi Diễn, vì bưởi Đoan Hùng có màu sắc vỏ quả gần giống Diễn nhưng quả to hơn, bề mặt vỏ nhẵn hơn, vỏ có màu vàng rơm, để lâu hay bị nát tép, ăn không có vị ngọt thanh mát như Diễn). Vấn đề thứ hai là giống khỏe mạnh, không nhiễm sâu bệnh. Vấn đề thứ 3 là nên chọn bưởi Diễn chiết hay ghép đây ??? hiện nay còn nhiều tranh cãi. Người làm giống thường lấy mắt Diễn và ghép vào gốc ghép bưởi chua đã được gieo hạt trước đó vài tháng. Về lý thuyết thì khi ghép sẽ tận dụng được những ưu điểm của 2 dòng bưởi khác nhau: kết hợp được sự ưu việt của mắt ghép và “sức khỏe” của gốc ghép. Khi trồng cây phát triển mạnh do cây ghép có bộ rễ cọc, ăn sâu, cây khỏe và bền cây(thời kỳ kinh doanh kéo dài hơn so với bưởi chiết), khả năng chống gió bão cũng như sâu bệnh tốt hơn, chống hạn, ũng cũng tương đối tốt…Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân của Tôi, qua nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu và đúc kết tại những vùng trồng Bưởi Diễn thì thấy một điều rằng. Khi trồng nên chọn cây mẹ khỏe mạnh, chất lượng quả tốt, ổn định và chiết nhân giống vô tính từ những cây đó. Chọn bưởi chiết để trồng sẽ có những ưu điểm vượt trội sau: giữ nguyên được bộ gen của cây mẹ; nhanh cho thu hoạch và ổn định chất lượng quả. Còn vấn đề bộ rễ, người ta thường nói “bưởi chiết” thường có bộ rễ chùm, điều này không sai, tuy nhiên nếu chăm sóc tốt thì bộ rễ của cây bưởi chiết không thua kém so với bưởi ghép và đặc biệt khi ghép giữa 2 dòng bưởi khác nhau thì ít nhiều chất lượng quả cũng thay đổi và không còn thuần chủng giống cây mẹ nữa. Một đặc điểm nữa khiến ta nên lựa chọn giống chiết là thực tế cho thấy khi trồng bưởi ghép thường xảy ra hiện tượng “một năm ăn quả, một năm trả cành” còn ở bưởi chiết thì hầu như ít thấy điều này có thể là do khi ghép giữa 2 dòng xảy ra tình trạng “đẩy nhau”, ý muốn nói sự tương thích, sự hòa hợp giữa 2 dòng.
Tiện đây chia sẻ luôn cho các bác về kinh nghiệm làm giống cam đường:
Thường người ta lấy hạt bưởi chua gieo vài tháng sau đó ghép mắt cam đường, tuy nhiên làm vậy thì bộ rễ là rễ cọc, sau này khó chăm sóc, do cây phát sinh rễ “tôm” rất ít, cây nuôi quả kém, chất lượng quả không cao. Vậy nên ta sử dụng hạt bưởi chua để gieo, chăm sóc tốt cho đến khi ra quả ổn định. Thực hiện biện pháp chiết cành bưởi chua trồng đại trà một thời gian sau đó lấy mắt cam ghép nên cành chiết đó. Làm như vậy bộ rễ sẽ rất khỏe, ít bệnh và phát sinh nhiều rễ tơ (thuận lợi cho nuôi quả).
+ Kinh nghiệm bón phân:
Ở thời kỳ kiến thiết CB: bón phân cân đối, định kỳ, cắt tỉa tạo tán, phòng trừ sâu bệnh chủ động…và nên tác động cơ giới vào bộ rễ vào tháng 1 hàng năm(chặt rễ)è khống chế không cho bộ rễ phát triển quá dài, tạo thuận lợi cho cây ra rễ nhánh(rễ hút), bứng cây thuận lợi, trẻ hóa bộ rễ, giảm sâu bệnh…
Quan trọng nhất là ở thời kỳ kinh doanh(cây đang cho quả): Muốn quả ngọt, cho quả đều, năng suất…bà con cần làm những biện pháp đồng bộ sau:
Thứ nhất: tăng khả năng đậu quả và giữ quả (từ tháng 2 đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch): Bảo vệ phấn hoa, nâng cao sức sống hạt phấn, bón phân cân đối, phòng trừ sâu bệnh (tham khảo ở bài viết sau). Trong quá trình trồng bưởi Diễn nên trồng xen với bưởi chua(bưởi dại) theo tỷ lệ 30 Diễn : 1 bưởi chua(giúp tăng khả năng thụ phấn, tăng đậu quả).
Thứ hai: Nuôi các đợt lộc(xuân-thu) thành cành mẹ thành thục để cho ra hoa, quả vào đầu năm sau. Song song với việc bón phân cân đối để nuôi quả cần chăm sóc để cây phát sinh lộc, những đợt lộc này chính là cành mẹ mang hoa và quả của vụ kế tiếp. Nếu chúng ta không tạo được cành lộc trong quá trình nuôi quả thì sẽ xảy ra trường hợp: cành mẹ mang hoa quả của năm sau chính cành mang quả của năm trước, điều này rất khó xảy ra nếu có xảy ra thì quả chất lượng kém, không đều, và nhiều trường hợp người làm vườn bón phân để thúc lộc hoa sau thu hoạch dễ dẫn đến tình trạng phát lộc đông vì bổ sung dinh dưỡng quá muộn. Hơn nữa một cành đã mang quả của năm trước thường có sức sinh trưởng rất kém, khó để thúc ra hoa cho vụ kế tiếp. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ra hoa-quả cách năm. Tóm lại để tránh tình trạng trên cần bắt đầu nuôi mầm lộc từ tháng 4-5 âm lịch hàng năm. Điều này đồng nghĩa với việc vừa nuôi quả vừa nuôi lộc sao cho thành thục.
Tuy nhiên cần lưu ý: Từ thời kỳ đậu quả non cho đến trước khi quả vào “nước” tuyệt đối không cho phát sinh lộc, bởi nếu phát sinh lộc vào thời kỳ này( vào tháng 2-4 âm) sẽ làm cho quả rụng hàng loạt (khi kết hợp với thời tiết bất lợi, cây bị sâu bệnh thì tình trạng rụng quả sẽ khó kiểm soát). Do đó ở thời kỳ trước khi quả vào nước cần thường xuyên thăm vườn nếu phát hiện bộ lá xanh đen bất thường, tại những chỗ nách lá có biểu hiện “sưng” lên có nghĩa những chỗ đó dễ phát sinh lộc non, khi đã phát sinh mầm lộc thì dinh dưỡng sẽ tập trung nuôi lộc và quả trên cây sẽ bị “đẩy”. Lúc này dùng dao sắc khoanh vỏ để hạn chế dinh dưỡng chuyển lên các bộ phận trên mặt đất giúp ngăn chặn tình trạng phát lộc “ngoài ý muốn”. Tình trạng này thường xảy ra ở những vườn ẩm, thấp thường xuyên, bị che tán, ít cắt tỉa và mất cân đối dinh dưỡng(thừa đa lượng). Khi Bưởi bắt đầu “vào nước” sau 1-2 tuần(trung tuần tháng 4-5 âm lịch, tùy giống) bà con nên bón phân qua gốc và lá để thúc lộc. Bón phân theo hình chiếu tán (cân đối yếu tố theo tỷ lệ 2đạm: 1lân : 1kali, ưu tiên phân hữu cơ, tăng hàm lượng đạm) kết hợp tưới nước, dùng chế phẩm sinh học A2 (5ml + 16 lít nước) phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. Sau 1 tuần, lộc phát triển mạnh kết hợp chủ động phòng trừ sâu bệnh (sâu vẽ bùa, bệnh loét, ghẻ, đốm mắt cua…). Việc bón phân qua gốc để nuôi lộc thường vào tháng 4-6-8-10 âm lịch, kết hợp phun chế phẩm sinh học qua lá. Nếu có điều kiện thì nên sử dụng đậu tương để bón vào giai đoạn quả non đến trước “vào nước” để tránh bốc lộc (về vấn đề sử dụng đậu tương, phân hữu cơ khoáng, phân qua lá chăm sóc bưởi Diễn sẽ đề cập bài viết sau).
Thứ ba: Trong quá trình chăm sóc cây mang quả không được để cây thiếu nước hoặc thừa nước. Đặc biệt dinh dưỡng phải đầy đủ và cân đối, không bón thừa hoặc thiếu dinh dưỡng. Nếu để cây thiếu nước và dinh dưỡng khi gặp mưa cây sẽ hút nước và dinh dưỡng mạnh làm quả phát triển không cân đối rất dễ bị nứt và rụng. Điều này thấy rất rõ ở giống bưởi Hoàng.
Thứ tư: Sử dụng biện pháp tác động cơ giới
Với các giống bưởi Diễn bà con nên lựa chọn thời điểm tác động cơ giới cho phù hợp. Với bưởi tơ cần làm vào tháng 11 âm lịch. Với bưởi kinh doanh đang mang quả cần tác động vào thời điểm trước khi thu hoạch 10-15 ngày. Tác dụng của các biện pháp tác động cơ giới là: Giúp quả ngọt hơn(về đường), ngăn chặn tình trạng phát lộc đông, hỗ trợ quá trình phân hóa mầm hoa đúng thời điểm(tháng 1-2 âm lịch năm sau). Dùng các dụng cụ chuyên dùng chặt phần đầu rễ non xung quanh hình chiếu tán. Phần rễ non thường chứa hormone Cytokinin một loại hormone trẻ hóa, kích thích cây ra chồi lộc non. Vì vậy cần triệt tiêu một phần loại hormone này để cây chuyển từ sinh trưởng sinh dưỡng sang giai đoạn sinh trưởng sinh thực(phân hóa mầm hoa). Kết hợp chặt rễ với khoanh vỏ để có hiệu quả tối ưu, tùy từng cây để có những biện pháp tác động sao cho phù hợp nhất.
Chúc bà con thành công !
Theo KS. Phạm Công Khải