TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, chính sách hiện có chỉ dừng lại ở mức độ khuyến khích, chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Sáng nay (22/10), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới”. Theo TS. Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT); Chánh Văn phòng Nông thôn mới Trung ương, trong giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất ít. Cụ thể, năm 2014, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 0,96% tổng số doanh nghiệp. Trong số đó, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 3%. Tổng vốn đầu tư cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 1% và chỉ chiếm 2,3% về lao động.
Phân tích nguyên do, TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, ngoài rủi ro cao, sản xuất nhỏ lẻ thì doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp một phần do nhận thức của nhiều cơ quan, địa phương chưa thực sự nhất quán, thống nhất ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chưa ưu tiên thu hút phát triển doanh nghiệp. Chính sách hiện có chỉ dừng lại là khuyến khích chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
“Về nội dung chính sách chủ yếu phân theo địa bàn, lĩnh vực đầu tư, ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư là phù hợp với chung ngành kinh tế, nhưng không phù hợp với nông nghiệp nông thôn. Về tiếp cận đất đai, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vì phải thỏa thuận với hộ nông dân; nếu thỏa thuận được thì phải chi phí 2 lần trả tiền sử dụng đất: tiền thuê hoặc mua đất của người có quyền sử dụng đất dồng thời lại phải nộp tiền sử dụng đất (tuy có được miễn giảm). Đối doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp chỉ phải trả tiền thuê đất mặt bằng. Hầu hết chưa có hạ tầng ngoài hàng rào dự án. Do các địa phương không có ngân sách để đầu tư các công trình này, nên cac doanh nghiệp cũng lại phải tự bỏ vốn đầu tư, nhất là dự án mới, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, TS. Ngọc phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, còn rất nhiều bất cập trong chính sách ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như: Về thuế phí còn bất cập giữa nông sản nhập khẩu, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; khuyến khích sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến. Về bảo hiểm rủi ro trong sản xuất nông lâm thủy sản do thiên tai, dịch bệnh và biến động giá cả chưa được phát triển là rào cản hạn chế lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; triển khai Nghị quyết về tam nông cũng mới chỉ lựa chọn một số mặt hàng thí điểm bảo hiểm.
Thủ tục hành chính, sự hỗ trợ của quản lý nhà nước trong việc khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận nguồn lực để đầu tư còn chậm được cải thiện.
Do đó, TS. Nguyễn Trí Ngọc cũng đưa ra hai nhóm kiến nghị.
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ cho đánh giá, rà soát lại kết quả 2 năm thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP, trong đó đặc biệt quan tâm tháo gỡ vấn đề khó khăn nhất hiện nay là vấn đề đất đai theo hướng làm sao để doanh nghiệp chỉ trả tiền mua (hoặc thuê) đất một lần, tránh tình trạng để doanh nghiệp tự thỏa thuận với dân nhưng thực tế là mua một lần, sau đó lại trả tiền thuê đất trên chính mảnh đất mình vừa mua. Cần có chính sách tích tụ ruộng đất, sớm hình thành thị trường đúng nghĩa với thị trường đất đai để doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.
Cụ thể như sau: Có chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp, nhất là chính sách bảo hiểm cho sản phẩm nông nghiệp mà hiện nay Chính phủ đang áp dụng thí điểm tại 13 tỉnh, thành với 3 loại sản phẩm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho người lao động ở nông thôn, nhất là lao động trong các trang trại, doanh nghiệp nhỏ…
Bên cạnh đó, cần có gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ sản xuất.
Đối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên hỗ trợ trực tiếp, giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng đào tạo lao động để phục vụ cho chính doanh nghiệp của họ và có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ trang trại… không có đủ điều kiện tự đào tạo nguồn nhân lực….
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI ví von, TPP như là bông hoa hồng rất đẹp nhưng có nhiều gai. Điều đó đồng nghĩa TPP vừa là cơ hội vừa là thách thức và cả cơ hội. Riêng đối với khu vực nông nghiệp nông thôn thách thức vô cùng lớn, đòi hỏi phải đẩy nhanh cách mạng tái cơ cấu, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, dẫn dắt.
Hà Tâm (Báo Đầu Tư)